Rubella thai kỳ. Mẹ nhiễm Rubella có gây dị tật thai?

Rubella thai kỳ

1. Rubella là gì?

a. Định nghĩa

Rubella là bệnh sốt phát ban (sởi ba ngày) do virus gây ra, bệnh lành tính với người thường nhưng có tác động xấu đến thai phụ do có thể gây ra những dị tật không mong muốn cho thai nhi.

b. Nguyên nhân

Virus Rubella
Virus Rubella

Nguyên nhân gây bệnh là do virus ARN thuộc nhóm Togavirus gây ra. Bệnh lây truyền thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người đã nhiễm. Người bị bệnh Rubella trong thời kỳ phát ban có khả năng lây truyền cho người khác cao nhất.

c. Biểu hiện bệnh

Thời gian đầu sau khi lây nhiễm virus là thời gian ủ bệnh kéo dài từ 12-23 ngày. Ở giai đoạn này người đã nhiễm virus chưa có biểu hiện của bệnh.

Sau giai đoạn ủ bệnh: người bị lây nhiễm virus sẽ có 3 biểu hiện cơ bản là sốt, phát ban và nổi hạch tùy theo thể trạng của từng người mà có mức độ biển hiện ra khác nhau.

  • Sốt nhẹ 37,5℃ – 38℃, nhức đầu, mệt mỏi, thường sốt khoảng 1-4 ngày, đi kèm là một số triệu chứng nhẹ như viêm kết mạc, đau họng, đau nhức người. Sau khi phát ban sẽ giảm sốt.
  • Phát ban: các nốt ban có thể phân bố thành từng mảng hoặc đứng riêng lẻ, đường kính khoảng 1-2 mm. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh, tuy nhiên có một số ít những người nhiễm bệnh không có biểu hiện phát ban.
  • Nổi hạch: hạch nổi ở vùng bẹn, cổ, sờ có cảm giác đau. Hạch thường nổi trước khi phát ban và tồn tại vài ngày sau khi ban hết thì hết.

d. Cách phòng tránh

Cách xử lý tốt nhất với bệnh Rubella là chủ động phòng tránh, mọi người cần thực hiện những biện pháp chủ động như:

  • Tiêm phòng vaccine để tạo kháng thể miễn dịch chủ động, nhất là các đối tượng nữ trưởng thành nhưng chưa có kháng thể Rubella. Tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine có thể xuất hiện sau 1 -3 tuần như sốt phát ban, nổi hạch, đau khớp ở người lớn.
    Lưu ý: Dù chưa có phát hiện việc vaccine có thể gây dị tật ở thai nhi, nhưng không được dùng vaccine cho người đã có thai hoặc có thể mang thai trong vòng 1-3 tháng. Vaccine này cũng được chống chỉ định sử dụng cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
  • Cách ly khỏi nguồn bệnh và tránh tiếp xúc với những vùng đang có dịch. Phải cách ly trước và sau khi phát ban cho đến khi ban bay hết từ 7-10 ngày.

2. Rubella bẩm sinh và cách phát hiện

a. Rubella bẩm sinh

Rubella bẩm sinh xảy ra do sự lây truyền từ thai phụ bị nhiễm sang cho thai nhi, virus Rubella từ máu mẹ chuyển qua nhau thai vào thai nhi có khả năng phá hủy hoặc làm chậm sự phát triển của phôi thai gây ra những dị tật bẩm sinh không mong muốn.

Rubella bẩm sinh gây những dị tật không mong muốn ở trẻ được chia thành 3 nhóm chính:

  • Ảnh hưởng nhẹ: trẻ có dấu hiệu chậm tăng trưởng, gan lách ro, thiếu máu, viêm xương,…
  • Ảnh hưởng lâu dài: thường gặp nhất là bé bị mắc bệnh tim bẩm sinh, khiếm khuyết về thị lực, thính lực (do đục thủy tinh thể, viêm võng mạc màng đệm, tăng giảm áp).
  • Ảnh hưởng tới não: gây thoái hóa thần kinh, nghiêm trọng hơn là dẫn đến tử vong.

b. Cách phát hiện

Khi thai phụ bị phát hiện nhiễm Rubella trong thai kỳ, tùy theo từng giai đoạn của thai kỳ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi như sau:

  • Nếu thai phụ bị nhiễm trong 12 tuần đầu: nguy cơ thai nhi bị Rubella bẩm sinh là hơn 80%.
  • Nếu thai phụ bị nhiễm trong 12-16 tuần : nguy cơ thai nhi bị Rubella bẩm sinh là khoảng 45-60%
  • Nếu thai phụ bị nhiễm trong 16-20 tuần: nguy cơ thai nhi bị Rubella bẩm sinh là dưới 1-5%, trường hợp này có thể tiếp tục theo dõi các dấu hiệu khác (hình thái siêu âm, các chỉ số sinh hóa, xét nghiệm sàng lọc dị tật) để đưa ra kết luận đúng đắn nhất.
  • Thai phụ bị nhiễm từ 20 tuần trở nên đến hiện nay vẫn chưa phát hiện trường hợp thai nhi nào chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên thai phụ vẫn cần theo dõi chặt chẽ thai kỳ.

Cách phát hiện thai nhi bị Rubella bẩm sinh hay không khi thai phụ bị nhiễm Rubella:

Hiện nay, phương pháp để kiểm tra thai phụ bị nhiễm Rubella ở những tuần thai sớm (1-16 tuần) có lây truyền sang con hay không có thể tiến hành chọc ối để phát hiện thai nhi có nhiễm Rubella sau 7 tuần từ lúc người mẹ bị nhiễm bệnh. Ở thời điểm này khi virus Rubella đã lây nhiễm sang cho thai nhi (nếu có) và tiếp tục tồn tại đến hết thai kỳ, khi tiến hành kiểm tra sẽ hạn chế được hiện tượng âm tính giả (có nghĩa kết quả xét nghiệm cho thai nhi âm tính với virus Rubella nhưng khi sinh bé ra lại dương tính với Rubella do tiến hành xét nghiệm sớm virus chưa lây truyền qua cho thai nhi trong thời gian lấy nước ối xét nghiệm). Ví dụ: thai phụ bị nhiễm Rubella ở tuần thai thứ 11, có thể tiến hành chọc ối ở tuần thứ 18 để kiểm tra và không thể chọc ối sớm hơn.

Tuy nhiên phương pháp chọc ối này cũng chỉ có thể chỉ ra gần như chính xác thai nhi có bị nhiễm Rubella hay không, chứ không thể phát hiện việc nhiễm virus này có gây dị tật ở bé hay không. Đồng thời phương pháp chọc ối cũng có những nguy cơ riêng đi kèm khi thai phụ tiến hành như tỷ lệ lưu thai, nhiễm trùng ối hoặc dị tật ở thai nhi do chọc ối mang lại… Khi thai phụ bị nhiễm Rubella dù ở bất cứ thời kỳ nào của thai kỳ cũng cần theo dõi chặt chẽ thai kỳ. Để kiểm tra thai nhi có bị dị tật không cần kết hợp nhiều phương pháp: siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm ADN thai nhi…. Do cách thức tác động của virus này rất phức tạp (virus tác động trực tiếp lên ADN và ngẫu nhiên không xác định được hướng tác động cụ thể) và phụ thuộc vào nhiều yếu tố có thể dẫn tới hiện tượng âm tính giả ở một số xét nghiệm dị tật như siêu âm, xét nghiệm chỉ số sinh hóa máu. (Kết quả xét nghiệm biểu hiện nguy cơ thấp ở kiểm tra một số dị tật như Down, Edward.. nhưng thực tế chỉ là kết quả âm tính giả không đáng tin cậy).

Thai phụ nên tiến hành các xét nghiệm sàng lọc dị tật NIPT có độ chính xác cao và phương thức xét nghiệm không bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào các yếu tố sinh hóa cơ thể như sàng lọc dựa vào ADN của thai nhi.

3. Chẩn đoán Rubella dựa vào kháng thể IgM và IgG

a. Kháng thể IgM và IgG

  • IgM: đây là kháng thể tạm thời, sẽ xuất hiện ngay sau khi có bệnh (thường sau sốt và phát ban vài ngày) sau đó tồn tại dương tính khoảng 6-8 tuần giảm dần về IgM âm tính. Tuy nhiên IgM là kháng thể không đặc hiệu, khi mắc phải các loại virus khác không phải Rubella cũng có thể làm chỉ số IgM dương tính.
  • IgG: đây là kháng thể vĩnh viễn, xuất hiện sau IgM từ 1-2 tuần (có nghĩa xuất hiện sau khi có bệnh khoảng 2-3 tuần), IgG sẽ tăng nhanh trong khoảng 2-3 tháng liên tục và sau đó giảm dần xuống nhưng luôn tồn tại trong cơ thể dưới trạng thái dương tính chứ không giảm về IgG âm tính.

b. Cách đọc chỉ số trong xét nghiệm Rubella

Sau khi thai phụ làm xét nghiệm máu để kiểm tra cơ thể có kháng thể với Rubella hay không, chỉ số kháng thể có thể rơi vào các trường hợp dưới đây:

  1. IgG (-) và IgM (-): ở trường hợp này thai phụ chưa chưa từng bị nhiễm Rubella và cũng chưa có kháng thể kháng Rubella. Vì vậy thai phụ cần cẩn thận để tránh nhiễm Rubella.
  2. IgG (+) và IgM (-)
    • Thai phụ từng chích ngừa Rubella hoặc đã từng bị Rubella trước khi mang thai nên có kháng thể IgG, ở trường hợp này thai phụ có thể yên tâm tiếp tục theo dõi thai kỳ.
    • Khi thai phụ chưa từng chích ngừa trước đó và có hiện tượng sốt, phát ban (có hoặc không) trong thời gian mang thai, cần phải làm lại xét nghiệm sau 1-2 tuần. Nếu IgG tăng lên gấp đôi thì có thể thai phụ mới bị nhiễm Rubella trong lúc đang mang thai.

c. IgG (-) và IgM (+)

Trong trường hợp này thai phụ cần làm lại xét nghiệm 1-2 tuần

  • Nếu xét nghiệm lần 2: IgM (-) và IgG (+)/ IgM (+) (nhưng nồng độ IgM giảm xuống) và IgG (+) thai phụ có thể bị nhiễm Rubella nguyên phát trong thời gian mang thai, cần xác nhận lại thời gian nhiễm cụ thể để có biện pháp xử lý thích hợp.
  • Nếu xét nghiệm lần 2: IgM (+) (vẫn thấp thấp như trước) và IgG (-). Vì IgM là kháng thể không đặc hiệu, IgM (+) có thể do thai phụ bị nhiễm loại virus khác và không phải bị nhiễm Rubella, tuy nhiên để chắc chắn hơn thai phụ nên xét nghiệm thêm 1 lần nữa.

d. IgG (+) và IgM (+)

Thai phụ cần thực hiện xét nghiệm lần 2 sau 1-2 tuần

  • Nếu xét nghiệm lần 2: IgM(-) và IgG (+) nồng độ tăng gấp đôi lần xét nghiệm trước, thai phụ có thể bị nhiễm Rubella thai kỳ nguyên phát, cần được xác định thời gian nhiễm để có biện pháp thích hợp.
  • Nếu xét nghiệm lần 2: IgM (+) và IgG(+) và có nồng độ tương đương lần xét nghiệm trước, có thể IgM (+) xuất hiện do thai phụ nhiễm một loại virus khác hoặc tái nhiễm Rubella, trong trường hợp này sẽ không tác động đến thai nhi.

4. Lời kết

Rubella là một căn bệnh tương đối phổ biến trong cộng đồng, ít nguy hiểm với người bình thường nhưng lại có những tác động nhất định lên thai nhi nếu thai phụ bị nhiễm bệnh trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ. Để phòng tránh Rubella, thai phụ có thể chích ngừa trước khi có thai hoặc thực hiện các biện pháp tự bảo vệ khi có dịch bệnh. Nếu thai phụ bị nhiễm Rubella mà chưa chích ngừa, cần đến khám ngay tại cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa sản để làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà chưa có sự tư vấn của bác sĩ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*